14. Câu chuyện người đại diện và con dấu

Phạm Hoài Huấn (ĐH Luật Tp.HCM)

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp Online, ngày 20/10/2011

(DĐDN) Một vụ kiện xảy ra ở Đồng Nai. Theo đó, một người được tòa án tuyên là có quyền quản lý Cty nhưng trong bản án lại không đề cập đến chuyện bàn giao lại con dấu cho người quản lý. Do đó, cơ quan thi hành án chỉ thi hành việc bàn giao lại Cty cho người quản lý mà không thực hiện việc thu hồi con dấu với lý do tòa… không tuyên! Kết quả là người này không thực hiện được việc quản lý của mình.

Câu chuyện trên đề cập đến hai vấn đề là người đại diện và con dấu của Cty.

“Con người” – của Cty và người đại diện

Pháp luật Cty đã sử dụng hình ảnh pháp nhân (trong bài viết này pháp nhân hay Cty được sử dụng với cùng một nghĩa) làm xuất phát điểm cho các vấn đề có liên quan. Cty là một con người do pháp luật tạo nên, độc lập với các ông chủ đã bỏ tiền để tạo ra nó. Pháp luật Cty phải làm chuyện này là bởi vì các ông chủ của Cty có quá nhiều mối quan hệ phức tạp, rối rắm với nhiều khoản chi tiêu khác nhau. Các tài sản của ông chủ về cơ bản được chia làm hai nhóm: tài sản tiêu dùng và tài sản đầu tư. Làm sao người ta biết hiện thời ông chủ đang tiêu xài tiền tiêu vặt của ông hay là tiền mà ông đã mang đi đầu tư. Cũng bởi vì lẽ đó mà pháp luật Cty mới buộc ông chủ phải tách bạch hai loại tài sản này. Để bảo đảm rằng khối tài sản mà ông chủ đầu tư không bị mất mát và bị tranh đoạt bởi những người khác, pháp luật Cty dùng tới khái niệm pháp nhân nhằm giải quyết vấn đề này. Theo đó, một “con người” tưởng tượng ra đời, được qui ước rằng sẽ sở hữu cái phần tiền mà ông chủ đã mang đi đầu tư và chỉ chi tiêu khoản tiền này vào một mục đích duy nhất là mục đích kinh doanh. “Con người” Cty này về đại thể khác ông chủ của nó ở mấy điểm sau: “Con người” Cty cũng có tài sản giống ông chủ nhưng tài sản này chỉ dùng vào một mục đích duy nhất là kinh doanh mà không chi tiêu lung tung như ông chủ. DN có nhiều mối quan hệ nhưng các mối quan hệ này suy cho cùng cũng chỉ phục vụ cho mục đích kinh doanh của nó mà thôi.

Mặc dù pháp luật DN ban cho Cty có quyền sở hữu. Nhưng suy cho cùng cái mà “con người” Cty sở hữu có cội nguồn từ tài sản của ông chủ. Nói cho dễ hình dung nhiệm vụ của Cty là làm cái việc phân thân cái phần kinh doanh của ông chủ ra khỏi cái phần sinh hoạt bình thường mà thôi.

Cho nên, về mặt lý thuyết thì có thể tưởng tượng được “con người” Cty, nhưng khi đối mặt với các hoạt động thực tế thì cái “con người” Cty mang tính ước lệ kia lại không đi lại, nói năng gì được. Để giải quyết vấn đề này pháp luật Cty lại sản sinh ra khái niệm đại diện. Theo đó, một người – đại diện sẽ thay mặt cho Cty để tiến hành các hoạt động cần thiết.

Bởi vậy, trên thực tế thì mọi hoạt động của Cty đều phải thông qua người đại diện. Nhưng tới đây lại nảy sinh thêm rắc rối khác. Bởi vì người đại diện của Cty dường như đang mang trong mình hai tư cách. Một là, chính bản thân anh ta. Hai là, đại diện cho Cty. Ai biết được rằng lúc nào anh ta đang phát ngôn, đang làm những việc với tư cách cá nhân, lúc nào là nhân danh Cty? Không làm rõ vấn đề này là không ổn tí nào. Bởi vì biết đâu người đại diện sẽ nhân cái sự mập mờ không rõ ràng này mà làm càn (ngôn ngữ luật hiện đại gọi là vượt quá phạm vi đại diện) hoặc có thể làm cho những người có liên quan có cảm giác không tin tưởng. Bởi vậy đây là lúc con dấu của Cty phát huy vai trò của nó. Mỗi Cty đều sẽ có một con dấu. Các giấy tờ giao dịch của Cty phải đóng dấu của Cty vào đó. Ngôn ngữ luật nói rằng “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức” là như vậy Điều 1 Nghị định 58/2001/NĐ-CP ngày 24.08.2001 về quản lí và sử dụng con dấu.

Mối quan hệ người đại diện và con dấu

Pháp luật Cty cần phải làm thêm một việc nữa để hoàn chỉnh cho ý niệm con người Cty đó là qui định mối quan hệ giữa người đại diện và con dấu. Theo đó, vai trò của người dại diện là thay mặt cho Cty. Nói cho dễ hiểu, người này nói gì, làm gì người ta sẽ mặc nhiên hiểu là Cty đang nói. Nhưng để tránh sự nhập nhằng về tư cách cá nhân và tư cách thay mặt cho Cty khi nhân danh Cty, các giấy tờ giao dịch mà người đại diện ký phải thể hiện rõ là họ đang thay mặt Cty và phải đóng dấu của Cty vào. Thiếu một trong hai yếu tố trên là không được. Người không có quyền đại diện mà có kí tên và đóng cả chục con dấu vào văn bản thì cũng không có ý nghĩa gì. Nhưng nếu người đại diện kí tên phát hành các văn bản mà không đóng dấu của Cty các bên liên quan sẽ không chịu, họ sẽ nghi ngờ về việc đại diện của anh  Pháp luật của Việt Nam chưa thể hiện được một cách minh thị là trong trường hợp văn bản, giả sử như hợp đồng do người đại diện ký mà không đóng dấu thì hợp đồng này có vô hiệu hay không… Cho nên cách tốt nhất là phải có cả hai. Cũng từ mối quan hệ khắng khít giữa người đại diện và con dấu nên để giản tiện luật qui định luôn người đại diện thì quản lí con dấu. “Người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật” – (Điều 36 luật DN).

Trở lại câu chuyện được đề cập ở đầu. Người được giao quyền đại diện quản lý Cty thì lại không có con dấu. Tất nhiên, người này không thể làm gì được với con dấu kia, nhưng trái ngang là họ vẫn cứ muốn giữ. Điểm vô lý của bản án là ở chỗ quyền quản lý luôn gắn liền với con dấu. Nhưng sự sai sót không đáng có này lại làm cho mối quan hệ này bị đoạn lìa. Điều này cũng giống như giao cho người ta cái thẻ ATM mà lại đưa mật khẩu cho người khác. Kết quả là cả hai không ai làm gì được. Trong công tác thi hành án, cơ quan thi hành án đã lựa chọn một giải pháp khôn ngoan với lí lẽ tòa không tuyên nên không thi hành, nhưng nếu nhìn nhận ở tính thuyết phục thì câu trả lời này chưa đủ thuyết phục. Bởi vì trong các quyền của người đại diện thì còn bao hàm cả quyền quản lí và sử dụng con dâu được pháp luật ghi nhận. Việc thi hành bản án về bàn giao quyền quản lí Cty mà không bao hàm cả con dấu là một việc làm phiến diện!

Leave a comment